Kỹ thuật số

80.000,00

Trong khoảng gần 3 thập kỷ qua, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và kinh tế số. Kinh tế số, cùng với các biến thể như kinh tế Internet, kinh tế mạng, kinh tế tri thức, kinh tế mới được trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách kinh tế – xã hội. Ảnh hưởng của kinh tế số đã được lý giải thông qua nhiều lý thuyết, chẳng hạn lý thuyết về khuôn mẫu công nghệ (Technological Paradigm), lý thuyết công nghệ mang mục đích chung (General Purposed Technology). Nhiều nghiên cứu định tính và định lượng đã được thực hiện để nghiên cứu và đo lường ảnh hưởng cũng như mối quan hệ nhân quả giữa ngành công nghiệp số tới phát triển kinh tế nhằm đưa ra những chính sách phát triển kinh tế số phù hợp. Tại Việt Nam công nghệ thông tin được chính thức xem như một điểm chốt cho phát triển kinh tế – xã hội từ năm 1993 thông qua Nghị quyết số 49/CP của Chính phủ. Thuật ngữ kinh tế tri thức đầu tiên được chính thức nhắc tới tại Việt Nam tại Hội thảo quốc gia về kinh tế tri thức năm 2000 với sự tham gia của đông đảo đại diện bộ ngành Chính phủ và các nhà nghiên cứu hàng đầu. Cho đến nay, Việt Nam liên tục khẳng định ICT và kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia. Tuy vậy, kèm theo đó cũng là những lo lắng về việc Việt Nam sẽ lỡ nhịp phát triển ICT và kinh tế số. Các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, cộng đồng ICT đều kiến nghị Chính phủ có những chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển kinh tế số. Nếu xem xét nền tảng phát triển ICT, một nước đang phát triển như Việt Nam đang ở vị trí bất lợi so với các nước phát triển. Tuy vậy, đặc trưng của công nghệ thông tin và truyền thông với tính linh hoạt cao là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Điều quan trọng hơn, ICT và kinh tế số là xu thế không thể cưỡng lại được, do vậy Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách phát triển ICT như một mục tiêu cần thực hiện để phát triển kinh tế quốc gia. Tuy vậy, việc thiếu các nghiên cứu chuyên sâu đi vào bản chất của kinh tế số cũng như các đánh giá định lượng rõ ràng sẽ gây khó khăn cho các cơ quan trong việc đề xuất và thực hiện chính sách phát triển kinh tế số. Mục tiêu của cuốn sách Kinh tế số: Thực trạng và hướng phát triển tại Việt Nam là làm rõ nội hàm của khái niệm kinh tế số, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển kinh tế số và ICT của một số quốc gia, nghiên cứu hiện trạng kinh tế số tại Việt Nam, đánh giá định lượng tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành ICT tới tăng trưởng kinh tế nói chung và các ngành kinh tế nói riêng bằng các phương pháp định lượng và dữ liệu tin cậy, từ đó chuyển kinh tế số thành một chiến lược phát triển cũng như đưa ra các khuyến nghị để thực hiện chiến lược phát triển đó cho Việt Nam. Cuốn sách được kết cấu thành 6 chương: Chương 1. Tổng quan về kinh tế số Chương 2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia Chương 3. Tổng quan kinh tế số tại Việt Nam Chương 4. Đánh giá tác động của ngành công nghệ thông tin và truyền thông tới kinh tế Việt Nam Chương 5. Dự báo kinh tế số Việt Nam tới năm 2025 Chương 6. Đề xuất phát triển kinh tế số tại Việt Nam Cuốn sách phù hợp trước hết với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ thông tin và truyền thông. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo tốt cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như ứng dụng ICT cho phát triển. Mặc dù rất tâm huyết và cũng cố gắng để hoàn thiện cuốn sách nhưng chắc chắn cuốn sách vẫn còn nhiều sai sót. Tác giả rất mong sự đón nhận và góp ý của bạn đọc. Mọi ý kiến góp ý xin gửi về: TS. Đặng Thị Việt Đức, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, email. ducdtv@ptit.edu.vn/ducdtv123@gmail.com Xin chân thành cảm ơn!

Out of stock

Thibft kế web bởi Hoangweb.com