Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vấn đề công bố kết quả nghiên cứu khoa có ý nghĩa rất quan trọng. Cuốn sách này ra đời với mong muốn của nhóm tác giả nhằm trình bày những vấn đề cơ bản nhất liên quan tới vấn đề công bố khoa học trong lĩnh vực khoa học giáo dục nói riêng, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Cuốn sách được viết dựa trên kết quả nghiên cứu trong vòng hai năm (2018 ‐ 2019) của nhóm nghiên cứu VSE (Vietnamese Science Editors), là thành viên của Hiệp hội Biên tập Khoa học châu Âu tại Việt Nam. Những vấn đề được đề cập tới trong cuốn sách này được thể hiện thông qua từng chương, do các nhóm tác giả nghiên cứu, biên soạn và chịu trách nhiệm độc lập bao gồm: Chương 1. Phân tích trắc lượng khoa học. Trắc lượng khoa học (scientometrics) hay trắc lượng thư mục khoa học (bibliometrics) đã được sử dụng nhiều trong một vài thập kỉ vừa qua để cung cấp những thống kê định lượng liên quan đến các ấn phẩm khoa học. Chương sách này bàn luận về trắc lượng khoa học trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Cấu trúc của chương sách được tổ chức như sau: Trước tiên là tổng quan các khái niệm về trắc lượng khoa học, trắc lượng thư mục khoa học và các thuật ngữ khác liên quan. Sau đó, trình bày các nguồn dữ liệu được sử dụng trong trắc lượng khoa học và các loại thông tin thường được cung cấp. Phần tiếp theo tổng hợp một số công trình nghiên cứu của thế giới và Việt Nam về trắc lượng khoa học hoặc trắc lượng thư mục trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học giáo dục. Trọng tâm của chương sách trình bày phân tích trắc lượng khoa học các bài báo trong lĩnh vực giáo dục của các tác giả Việt Nam được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của Scopus trong khoảng thời gian 10 năm từ 2009 đến 2018. Qua kết quả phân tích, phần cuối của chương sách đưa ra các nhận định về xu hướng công bố quốc tế cũng như các khoảng trống xuất bản quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Chương 2. Cơ sở dữ liệu khoa học mở quốc gia. Tỉ lệ xuất hiện, gia nhập vào hệ thống mở của các công bố khoa học, tạp chí ngày càng tăng lên và là xu thế rất đáng chú ý. Việt Nam hiện chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu mở quốc gia nhằm có thể lưu trữ, thống kê và đánh giá một cách đầy đủ về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chương này sẽ trình bày tóm lược về vấn đề xuất bản khoa 6 học mở (open access – OA), tìm hiểu, phân tích ban đầu về một số hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học mở của một số quốc gia khu vực châu Á, một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để nhằm đánh giá và đưa ra một số khuyến nghị ban đầu cho việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học mở quốc gia của Việt Nam. Chương 3. Tiêu chí của ACI và Scopus đối với tạp chí khoa học. Các nỗ lực của Việt Nam về tái cấu trúc hệ thống quản lí xuất bản trực tuyến cũng như cải tiến các quy trình/chính sách xuất bản các công trình công bố trên các tạp chí nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ mục vào Hệ thống ACI sẽ giúp các tạp chí tại Việt Nam nâng cao chất lượnghướng tới đáp ứng theo tiêu chuẩn Scopus. Cấu trúc của chương sách bao gồm ba phần: (1) Trình bày về các tiêu chuẩn lựa chọn của ACI và Scopus để xây dựng nền tảng của phân tích; (2) Đối sánh các tiêu chuẩn lựa chọn của ACI và Scopus với các tiêu chuẩn của một số tạp chí khoa học giáo dục tại Việt Nam; (3) Cung cấp một số giải pháp chiến lược trung và dài hạn giúp các tạp chí khoa học giáo dục tại Việt Nam từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong xuất bản các công trình khoa học. Chương 4. Xếp hạng tạp chí khoa học trong ISI và Scopus. Trên thế giới hiện nay tồn tại nhiều hệ thống xếp hạng tạp chí khoa học khác nhau, đồng thời các hệ thống đó cũng dựa trên các nguồn cơ sở dữ liệu riêng. Mỗi một hệ thống đều có những chỉ số xếp hạng riêng với những ưu thế và hạn chế riêng. Chương này chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus và các chỉ số xếp hạng tạp chí khoa học của Scopus, có đối sánh với hệ số tác động IF của Web of Science để thấy được những ưu thế riêng của mỗi hệ số (chỉ số). Đồng thời, để thấy được rõ hơn những bước tiến hội nhập của khoa học giáo dục Việt Nam trong bảng xếp hạng các tạp chí Scopus, những kết quả nghiên cứu được rút ra từ 133 tạp chí với 191 bài báo của các tác giả Việt Nam về lĩnh vực khoa học giáo dục trong suốt chặng đường 10 năm qua (2008 ‐ 2019) đã cho chúng ta một bức tranh tổng thể về công bố quốc tế của khoa học giáo dục Việt Nam trong Scopus. Từ sự phân tích các chỉ số xếp hạng của 133 tạp chí trong hệ thống Scopus đã giúp cho các nhà khoa học giáo dục Việt Nam xác định được vị thế khoa học của mình thông qua hệ thống xếp hạng tạp chí quốc tế, qua đó có thể có những đóng góp nhất định trong việc tiếp tục khuyến khích các nhà khoa học giáo dục tăng cường công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế thực sự uy tín và phù hợp. Điều này giúp thúc đẩy việc nâng cao số lượng cũng như chất lượng của các tạp chí khoa học giáo dục của Việt Nam. Chương 5. Công cụ tìm kiếm tạp chí trong nghiên cứu khoa học. Chương sách trình bày một số ứng dụng tìm kiếm tạp chí khoa học thường được 7 các tác giả sử dụng để lựa chọn tạp chí phù hợp với nội dung bài báo khoa học. Chúng tôi đã phân tích ưu điểm và hạn chế của các ứng dụng, từ đó hướng dẫn các tác giả biết cách sử dụng và lựa chọn ứng dụng tìm kiếm tạp chí phù hợp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy thực trạng đăng bài trên các tạp chí quốc tế và vấn đề sử dụng các ứng dụng trong lựa chọn tạp chí của các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Ngoài ra, chương sách cũng cho thấy một số xu hướng trong lựa chọn tạp chí đăng bài đối với các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau hoặc kinh nghiệm của các tác giả trong công bố quốc tế. Chương 6. Đạo đức nghiên cứu khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, đạo đức nghiên cứu luôn được đặt lên hàng đầu bên cạnh chất lượng của các công bố. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vi phạm đạo đức nghiên cứu luôn là vấn đề nóng, đã có một số trường hợp nhà khoa học có hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu dẫn đến bị khiển trách, kiểm điểm và thu hồi công trình đã công bố. Chương sách trình bày các vấn đề về đạo đức nghiên cứu, đạo văn và những phương pháp, công cụ hỗ trợ các tổ chức, nhà khoa học phát hiện hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu. Cấu trúc của chương sách gồm ba phần chính: (1) Phần 1 trình bày về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học; (2) Phần 2 trình bày về vấn đề đạo văn và một số phương pháp phát hiện đạo văn trong nghiên cứu khoa học, đưa ra các khái niệm, các khuyến nghị cũng như những phương pháp phát hiện đạo văn trong nghiên cứu khoa học; (3) Phần 3 trình bày, phân tích tính ưu việt, đặc điểm của 10 công cụ hỗ trợ phát hiện đạo văn trong nghiên cứu khoa học để đưa ra các khuyến nghị cho các nhà nghiên cứu phương thức lựa chọn các phần mềm kiểm tra đạo văn trong nghiên cứu khoa học. Chương 7. Khoa học mở và xu hướng phát triển. Hiện nay, khoa học mở (Open science) là trào lưu “mở hoá” các tài nguyên khoa học, bao gồm các công bố khoa học, dữ liệu khoa học, tài nguyên/công cụ nghiên cứu… để các nhà khoa học cũng như toàn xã hội có thể truy cập dễ dàng. Trào lưu này khác với hiện trạng “đóng” của khoa học trong suốt hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước đây mà theo đó, các tài liệu khoa học, dữ liệu, tài nguyên, công cụ… phục vụ cho khoa học sau khi được công bố thì được thương mại hoá và chỉ những người trả tiền mới có thể truy cập và khai thác được. Khoa học mở sẽ hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu mở; đồng thời xã hội cũng có thể dễ dàng truy cập nhằm giám sát nhà khoa học (trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước), hợp tác với nhà khoa học hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu của nhà khoa học một cách dễ dàng. Chương sách này đề cập đến những vần đề cơ bản nhất 8 của khoa học mở, được cấu trúc gồm hai phần chính: (1) Phần 1 trình bày về khoa học mở; (2) Phần 2 trình bày về triển khai khoa học mở tại Việt Nam: những rào cản và tiềm năng. Chương 8. Cấu trúc phổ quát của bài báo khoa học quốc tế. Cấu trúc của một bài báo khoa học nói chung đều có những định dạng chung trên toàn thế giới. Đến thế kỉ XX, một cấu trúc chuẩn được nhiều tạp chí, nhà xuất bản sử dụng trong các xuất bản phẩm của mình được gọi là IMRaD (Introduction, Methodology, Results, and Discussion). Có thể nhận thấy, cấu trúc này được sử dụng một cách khá phổ biến trong các công bố quốc tế. Chương sách này trình bày tổng quan về cấu trúc IMRaD, đồng thời trình bày kết quả phân tích một số bài viết trên các tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục có uy tín trên thế giới và ở Việt Nam về việc sử dụng cấu trúc IMRaD trong trình bày các kết quả nghiên cứu. Dựa trên bối cảnh xuất bản ở Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện việc biên tập khoa học trên các tạp chí khoa học giáo dục ở Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất bản quốc tế. Bên cạnh đó, chương sách cung cấp những hướng dẫn cụ thể giúp các nhà nghiên cứu có thể trình bày một bài báo khoa học của mình theo cấu trúc IMRaD. Chương 9. Trích dẫn tài liệu trong nghiên cứu khoa học. Tài liệu tham khảo là yêu cầu có tính bắt buộc trong các bài báo nghiên cứu của các nhà khoa học bởi nó cung cấp độ tin cậy cho các kết quả nghiên cứu; để ghi nhận việc trích dẫn cho các nhà khoa học, để người đọc có thêm thông tin về các vấn đề nghiên cứu và thể hiện sự hiểu biết của tác giả về vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, việc trích dẫn tài liệu tham khảo trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất và tiếp cận xu hướng quốc tế. Chương sách này nhằm mục đích nghiên cứu thực tiễn trích dẫn tài liệu tham khảo tại các tạp chí giáo dục ở Việt Nam, giới thiệu một số chuẩn trích dẫn phổ biến trên thế giới hiện nay, một số phần mềm trích dẫn tài liệu tham khảo phổ biến, từ đó đề xuất phương hướng tiếp cận chuẩn quốc tế cho các tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục ở Việt Nam và các nhà khoa học trong nước về việc trích dẫn tài liệu tham khảo. Chương sách được thực hiện thông qua việc phân tích yêu cầu trích dẫn tài liệu tham khảo ở một số tạp chí giáo dục tại Việt Nam và phân tích, so sánh với các kiểu trích dẫn tại một số tạp chí giáo dục trên thế giới. Từ đó, đề xuất định dạng trích dẫn quốc tế phù hợp và giới thiệu một số phần mềm trích dẫn tự động phù hợp với thực tiễn và nhu cầu sử dụng của các nhà khoa học tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng cho thấy đây là việc làm quan trọng để giúp các tạp chí và các nhà khoa học tiếp cận với các chuẩn quốc tế. 9 Chương 10. Hệ thống tiền xuất bản trong nghiên cứu khoa học. Trong thời đại của khoa học mở, các tạp chí đều khuyến khích các nhà nghiên cứu chia sẻ các bản thảo tiền xuất bản trên website cá nhân hay các hệ thống tiền xuất bản (preprints) như arXiv, bioRxiv, OSF… Các hệ thống preprints và các tạp chí cùng song hành hỗ trợ các nhà khoa học mang tri thức đến với nhân loại. Chương sách nhằm giới thiệu tổng quan về một số hệ thống preprints, thống kê, phân tích các tính năng nổi bật của một số hệ thống preprints dành cho các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bằng các thống kê dữ liệu, khai thác qua các website của các hệ thống preprints, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu học thuật từ những hệ thống preprints phổ biến, từ đó tư vấn một số hệ thống preprints phù hợp cho một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Qua đó, giúp các nhà khoa học nhanh chóng lưu hành các kết quả hiện tại của một ấn phẩm, một công trình nghiên cứu trong cộng đồng học thuật, góp phần gia tăng giá trị các công bố quốc tế cho các nhà khoa học của Việt Nam. Chương 11. Công cụ trực tuyến trong nghiên cứu khoa học. Công cụ trực tuyến hỗ trợ nghiên cứu được ra đời và sử dụng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet. Các công cụ giúp các nhà nghiên cứu thu thập, tổ chức, phân tích, trực quan hoá, công bố các kết quả nghiên cứu, và đánh giá nghiên cứu của mình. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu hết sức cần thiết và hữu ích, giúp nâng cao chất lượng, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Chương sách này nhằm mục đích cung cấp một số thông tin tổng quan về việc sử dụng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu trên thế giới; phân loại và giới thiệu tính năng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu theo tiến trình nghiên cứu. Chương sách được thực hiện thông qua việc tổng hợp các nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này; tìm hiểu các chức năng các công cụ qua nhà cung cấp cũng như sử dụng trực tiếp các công cụ này. Chúng tôi phân nhóm các công cụ vào năm nhóm theo tiến trình nghiên cứu: Tìm kiếm tài liệu; Kết nối với nhà nghiên cứu khác; Viết; Công bố và đánh giá nghiên cứu. Từ sự trình bày này, các nhà nghiên cứu nên tìm hiểu các công cụ phù hợp với sở thích cá nhân cũng như tình hình tài chính của cá nhân để sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Chương 12. Khai thác trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều hoạt động của con người. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế cũng như giáo dục, khoa học. Tại Việt Nam, Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa 10 học thường dựa trên khối lượng thông tin lớn mà chủ yếu là thông qua văn bản. Vậy làm thế nào để rút ngắn thời gian tìm hiểu tài liệu và xử lí khối lượng thông tin lớn này? Chương này đưa ra những phát hiện, đánh giá về một số công cụ AI hỗ trợ người nghiên cứu trong việc tìm kiếm thông tin, tài liệu. Từ kết quả của việc phân tích và chọn lọc đã tìm kiếm lựa chọn được năm phần mềm trí tuệ nhân tạo với ưu thế nổi trội có những hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu khoa học trong đó có các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Chương 13. Chiến lược tăng khả năng nhận diện kết quả nghiên cứu. Số lượng bài báo quốc tế được công bố là tiêu chí đầu tiên để đánh giá đầu ra của nhà nghiên cứu. Do tác động của số lượng trích dẫn (các chỉ số trích dẫn) đối với hệ thống xếp hạng đại học thế giới của Giáo dục Đại học, hầu hết các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm một số kĩ thuật hữu ích để tăng trích dẫn trong hồ sơ của họ. Yếu tố tác động tạp chí (JIF) như một thước đo ảnh hưởng và tác động của một tạp chí cụ thể so với các tạp chí khác trong cùng lĩnh vực nghiên cứu, báo cáo số lượng trích dẫn trung bình cho các bài báo được xuất bản trong tạp chí cụ thể. Do đó, tăng chỉ số trích dẫn của các bài báo cũng là một mục tiêu quan trọng của các tạp chí. Chương này trình bày một số chiến lược làm tăng khả năng tìm thấy, và do đó góp phần làm tăng khả năng đọc, trích dẫn cho bài báo khoa học. Chương 14. Mã định danh của nhà nghiên cứu. Định danh cho các tác giả/nhà nghiên cứu là một chủ đề được quan tâm không chỉ đối với cơ sở dữ liệu khoa học và các nhà cung cấp thông tin khác nhau, mà còn cho các trường đại học và viện nghiên cứu trong báo cáo sản xuất khoa học. Với mỗi một định danh duy nhất cho các tác giả/nhà nghiên cứu sẽ cung cấp một số lợi ích cho các tác giả, tổ chức, nhà xuất bản, tổ chức tài trợ và xã hội học thuật. Chương sách này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về một số hệ thống định danh tác giả phổ biến như ORCID, Scopus ID, Publons ID, ReseacherID… xem xét một số dịch vụ hoạt động và phát triển của chúng. Bên cạnh đó, chương sách cũng hướng dẫn cho người đọc cách sử dụng và khai thác các cơ sở dữ liệu từ những hệ thống định danh phổ biến, từ đó tư vấn một số hệ thống định danh với hệ thống cơ sở dữ liệu học thuật phù hợp nhất cho các nhà nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, còn một số vấn đề khác nữa liên quan tới nghiên cứu và công bố khoa học chưa được trình bày trong cuốn sách này. Tuy nhiên, những vấn đề trình bày ở đây đã đủ giúp các độc giả quan tâm có một cái nhìn khá cơ bản và đầy đủ về chủ đề này. 11 Cuốn sách có thể được sử dụng làm tài liệu chuyên khảo trong nghiên cứu và đào tạo sau đại học về khoa học giáo dục tại các trường đại học, viện nghiên cứu và tài liệu tham khảo bổ ích cho các tạp chí khoa học và nhà nghiên cứu trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình biên soạn, cuốn sách này đã nhận được sự chia sẻ, góp ý của nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm. Nhóm tác giả trân trọng cảm ơn Hội đồng thẩm định sách chuyên khảo đã có những đánh giá, góp ý quý báu để cuốn sách được hoàn thiện và xuất bản. Các tác giả xin trân trọng cảm ơn những trao đổi chuyên môn có giá trị của TS. Vương Quân Hoàng, Trường Đại học Phenikaa (với thực tiễn công bố hơn 100 bài báo trên tạp chí trong danh mục ISI/Scopus, kinh nghiệm bình duyệt học thuật hơn 130 báo cáo phản biện cho các tạp chí ISI, cũng như biên tập xử lí gần 60 bản thảo của tạp chí ISI), TS. Phạm Hùng Hiệp, Trường Đại học Phú Xuân (đã tổ chức nhiều khoá tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, kinh nghiệm tổ chức nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học) với nhiều góp ý, tương tác quan trọng cho việc biên tập và hoàn thiện cuốn sách này. Dù có nhiều nỗ lực và nghiêm túc, cẩn trọng trong quá trình biên soạn, cuốn sách có thể vẫn còn những khiếm khuyết hay hạn chế nhất định, rất mong đông đảo quý bạn đọc hợp tác, góp ý cho những lần tái bản sau. Những chủ đề khác liên quan có thể sẽ được nghiên cứu, cập nhật vào cuốn sách trong những lần xuất bản tới. CÁC TÁC GIẢ
Reviews
There are no reviews yet.