Lời nói đầu Dành cả cuộc đời cho ngành Y, song tôi cũng chỉ đứng ở một phạm vi có hạn, đó là chuyên khoa Nội Nhi và Nội Tim mạch. Tôi đã gắn bó liên tục sự nghiệp của đời mình với thực tiễn lâm sàng ở bệnh viện, với việc nghiên cứu, giảng dạy của bộ môn Nội, trường Đại học Y. Tuổi về hưu đã đến, tôi tĩnh tâm quay nhìn lại phía sau, thời gian trước kia của mình: 16 tuổi tốt nghiệp phổ thông, đồng thời cũng là thời điểm bước chân vào trường Đại học Y và cũng từ đó định mệnh Y học của tôi bắt đầu. Năm 22 tuổi, tôi tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa Nội Nhi của Trường Đại học Y Hà Nội (1971) và được phân công về giảng dạy bộ môn Nội tại Trường Đại học Y Thái Bình. Phải nói rằng, chương trình giảng dạy của bộ môn Nội so với các bộ môn lâm sàng khác như Ngoại, Sản, Nhi và các chuyên khoa lẻ lại chiếm một thời lượng khá lớn. Ngay từ ban đầu, tôi được phân công vào soạn bài giảng toàn bộ chương trình Tim mạch, chiếm tới quá một phần ba của tổng số giờ dạy trong toàn bộ môn và đây cũng là phần kiến thức khó, phải nỗ lực vượt lên mới gánh vác nổi. Với sức mạnh của tuổi trẻ, với lòng hăng say yêu nghề, với những kiến thức tích luỹ trong những năm tháng ở nhà trường, với sự học hỏi không ngừng nghỉ các đồng nghiệp, tôi đã gồng mình để hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Sau một thời gian, tôi lại được nhà trường phân công kiêm thêm công tác y vụ, rồi công tác phụ trách bộ môn. Gánh nặng lại đè thêm lên đôi vai tôi. Ngoài thời gian quản lý bộ môn, tôi lại bắt tay vào nghiên cứu và soạn bài giảng toàn bộ chương trình Nội khoa như Tim mạch, Tiêu hoá, Hô hấp, Máu, Tiết niệu, Thần kinh, Nội tiết… Để nắm chắc toàn bộ chương trình giúp cho quá trình quản lý và thay thế bất cứ các giờ trống nào của các đồng nghiệp vắng mặt trong bộ môn. Tất cả các chương trình này không những chỉ cho một đối tượng sinh viên và cả cho các khoá sinh viên Y2, Y3, Y4, Y6 chính quy, chuyên tu và hàm thụ. Công việc hằng ngày của tôi, buổi sáng làm công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn sinh viên tại bệnh viện; buổi chiều lên lớp giảng bài. Nghĩa là tôi đã đóng vai trò của một hộ lý, một y tá, một sinh viên, một bác sĩ của bệnh viện cũng như nhà trường. Sau mười năm công tác, tôi được đi học Nghiên cứu sinh (1981 1985) của Trường Đại học Y Hà Nội và liên tục nghiên cứu, điều trị, cấp cứu tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Năm 1985 tôi nhận bằng Tiến sĩ Y học, chuyên khoa Nội Tim mạch và tiếp tục làm công tác giảng dạy tại bộ môn Nội Trường Đại học Y Thái Bình. Năm 1991, tôi chuyển về khám chữa bệnh tại Ban Bảo vệ sức khoẻ Thành phố Hà Nội và Khoa Tim Mạch Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Năm tháng qua đi lúc nào tôi cũng không biết nữa. Nhìn lại phía sau, tôi đã trải qua 24 năm ngồi ghế nhà trường, trong đó có 10 năm phổ thông, 6 năm đại học, 5 năm nghiên cứu sinh, 2 năm ngoại ngữ và 1 năm sư phạm học. Đến đây tôi xin phép các bạn cho tôi dừng lại đôi chút thời gian để cảm ơn các thầy cô, các bạn đồng nghiệp và các bệnh nhân đã giúp đỡ tôi trong suốt nhiều chục năm qua và tôi cũng biết ơn người chồng của tôi đã luôn động viên, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt sự nghiệp của mình. Thấm thoát đã đến tuổi về hưu, vẫn biết về hưu là chuyện đương nhiên, cầm trên tay quyết định về hưu rồi tôi cứ tưởng mình đã hoàn thành xong nhiệm vụ và được thanh thản nhưng không phải thế, tôi vẫn cảm thấy như thiếu một điều gì mà mình chưa làm được. Sau đó tôi cũng nhận ra đều chưa làm được ấy chính là tôi chưa để lại cho đời một cái gì cụ thể hơn, sâu xa hơn, có ý nghĩa hơn cho các thế hệ con cháu về sau này. Tôi thực sự bắt tay ngay vào công việc viết sách không kịp nghỉ ngơi. Bao nhiêu kinh nghiệm trong thực tế lâm sàng, bao nhiêu kiến thức tiếp thu qua sách vở, bao nhiêu kiến thức nghiên cứu của nhiều chục năm qua, tôi đã viết ra chẳng khác gì con tằm đã đến độ nhả tơ, làm kén. Và cuối cùng tập sách Nội khoa tim mạch của tôi đã hoàn thành. Tôi vẫn biết rằng, khoa học ngày càng phát triển nhưng đối với ngành Y, đặc biệt là Y lâm sàng vẫn đòi hỏi những kinh nghiệm, những kiến thức cơ bản làm nền móng ban đầu cho quá trình học hỏi, nâng cao kiến thức dần dần của học sinh, sinh viên, giúp cho quá trình chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh của người thầy thuốc khi đã ra trường. Tôi là một thầy thuốc, một thầy giáo và cũng là một phật tử. Tâm tôi đã từng quặn đau trước nỗi đau của người bệnh. Tôi tin rằng, ngành Y và ngành Giáo dục sẽ giúp nhiều hơn cho người phật tử có tâm chính đạo đem lại những nhịp đập của trái tim, của hơi thở, những nụ cười cho người bệnh. Làm được điều này tức là chúng ta đã đi vào con đường tu chính đạo rồi. Đây là tổng hợp chương trình Nội – Nội tim mạch đã đào tạo bác sĩ chính quy dài hạn (6 năm) của trường Đại học Y. Chúng tôi đã cố gắng đưa vào, kết hợp lại những kiến thức lý luận, thực hành khám, chẩn đoán và điều trị bệnh tại Trường Đại học Y Thái Bình, Khoa Nội Bệnh viện Việt – Bun, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, khám chữa bệnh tại Ban Bảo vệ sức khoẻ và Khoa Tim mạch Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội. Đồng thời cố gắng trình bày, sắp xếp một cách sư phạm nhất để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và các độc giả dễ theo dõi, dễ hiểu ở từng mức độ khác nhau. Ở đây tôi cần nói thêm rằng, trong cuốn sách này có một số vấn đề mang nhiều quan điểm của nhiều tác giả, phần lớn là thống nhất, song cũng không tránh khỏi sự bất đồng. Cũng chính vì lý do đó, nếu độc giả nào chưa nhất trí hoàn toàn với vấn đề nào hoặc hình vẽ minh họa chưa được rõ nét do chính tôi thể hiện, tôi hoàn toàn tiếp thu ý kiến và xin được lượng thứ. Một lần nữa tôi thành thật xin lỗi các độc giả! Cuốn sách này tôi đã hoàn thành từ lâu nhưng chưa có ý định xuất bản thành sách. Gần đây được sự gợi ý của các bạn bè đồng nghiệp, các học trò và được sự đồng ý cho phép của thầy: Giáo sư, Tiến sĩ Y học – Anh hùng Lao động – Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải, tôi xin phép Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cuốn sách Nội khoa Tim mạch nhằm mục đích giúp cho các thế hệ trẻ tham khảo để từng bước đi sâu vào chuyên ngành của mình. TÁC GIẢ
Reviews
There are no reviews yet.