Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thực tế hiện hữu đang rất được quan tâm hiện nay. Nhắc đến cuộc cách mạng này, chúng ta thường hình dung tới những đặc trưng cơ bản của nó như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật qua internet, sự liên kết giữa thế giới thực và ảo, công nghệ robot… Mặc dù cho đến nay, Cách mạng 4.0 mới đang ở giai đoạn khởi đầu và chúng ta vẫn chưa hình dung được một cách đầy đủ, toàn diện về tốc độ và phạm vi của nó, nhưng ở góc độ nhất định, có thể khẳng định, xuất bản sẽ là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc nhất từ cuộc cách mạng này. Một trong những tác động mạnh mẽ nhất phải kể đến đó là sự xuất hiện của xuất bản số, truyền thông số đã phá vỡ mọi giới hạn của xuất bản truyền thống. Chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, độc giả có thể đọc sách, đọc báo, lướt web hay tra cứu thông tin một cách dễ dàng, từ bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào với giá thành cực thấp, thậm chí miễn phí.
Là một trong những đơn vị tiên phong, nắm bắt nhanh xu thế thời đại, ngày 26/9/2019 Nhà Xuất Bản Đại học Thái Nguyên đã tổ chức buổi tọa đàm với nội dung: “Đẩy mạnh hoạt động xuất bản trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Dự Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo một số ban chức năng, đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên và cán bộ, viên chức Nhà Xuất bản, và ông Phạm Gia Trí – đại diện Công ty Cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề ( Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam). Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh các vấn đề chính: Hoạt động xuất bản phục vụ giáo dục đào tạo trong thời kỳ 4.0; Phần mềm và quy trình làm sách, học liệu; Hệ thống phát hành sách và thư viện điện tử; Giải pháp chống sao chép in lậu. Tại đây, ông Phạm Gia Trí đã giới thiệu phầm mềm và quy trình làm sách và học liệu trên hệ thống xuất bản 4.0. Đây là phần mềm sản xuất sách giúp chuẩn hóa việc làm sách, biên tập và xuất bản. Các tác giả, giảng viên và các chuyên gia không cần có kiến thức về xuất bản cũng có thể dễ dàng làm sách trên phần mềm và tạo ra sách dưới nhiều định dạng khác nhau như: MOBI, EPUB, PDF, sách in truyền thống và sách in thông minh. Đồng thời, ông cũng đã giới thiệu đến các đại biểu về hệ thống phát hành sách và thư viện điện tử. Hệ thống có các chức năng thương mại điện tử giúp phát hành sách và học liệu điện tử đến người dùng. Hệ thống có tích hợp các công cụ quảng cáo, tìm kiếm, thanh toán trực tuyến, đọc trực tuyến. Đồng thời hệ thống có khả năng kết nối đến các hệ thống thư viện và trường học; hỗ trợ cho công tác thư viện và hoạt động đào tạo. Đặc biệt, hệ thống giúp tạo ra một sản phẩm mới Sách in thông minh (Sách lai) kết hợp giữa sách in truyền thống và học liệu điện tử; kết hợp giữa giảng dạy và học tập truyền thống với elearning; thúc đẩy việc tự học của sinh viên.
Cũng trong khuôn khổ của Tọa đàm, lãnh đạo Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên và lãnh đạo Công ty Cổ phần Đại học – Dạy nghề đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị./.
QR Code: