Một số vấn đề cơ bản của lịch sử triết học

98.000,00

Lịch sử triết học như một khoa học nghiên cứu sự xuất hiện của các học thuyết về những quy luật chung của tồn tại và tư duy được xuất hiện trong quá trình phát triển của triết học. Việc nghiên cứu quá trình phát triển của tư tưởng triết học một cách có hệ thống theo quan điểm lịch sử là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Chúng ta cần phải nhận thấy một vấn đề chân lý đích thực là giảng dạy lịch sử triết học chính là giảng dạy triết học. Mọi thái độ xem thường, coi nhẹ thậm chí phủ định sạch trơn những di sản triết học của quá khứ, về thực chất là nhằm biện hộ cho sự khủng hoảng và bế tắc về mặt tư tưởng trong xã hội hiện đại. Phép biện chứng khoa học đã khẳng định rằng, không phải gạt bỏ và thủ tiêu quá khứ mà là tiếp thu có chọn lọc, có phê phán những thành tựu của văn minh thế giới, là duy trì và phát triển những gì có giá trị tiến bộ trong các thành quả của quá khứ, là kế thừa trên con đường phát triển của xã hội và văn hóa nhân loại. Lịch sử triết học đòi hỏi nghiên cứu toàn diện và sâu sắc thế giới quan của mọi nhà tư tưởng và nội dung của mọi học thuyết triết học, chỉ rõ giá trị lịch sử và hạn chế của nó, không cho phép trích dẫn thiên lệch về những tư tưởng riêng lẻ nhằm xuyên tạc bản chất đích thực của học thuyết này hay học thuyết kia. Nó đòi hỏi đi sâu vào những vấn đề bản chất sâu kín nhất, phức tạp nhất của các học thuyết triết học, chống lại thái độ hời hợt, nông cạn, bàng quan trong việc nghiên cứu đánh giá lịch sử triết học. Chính vì vậy, để hiểu lịch sử triết học như một khoa học chân chính thì chỉ có thể dựa trên cơ sở vững chắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trên tinh thần ấy, các tác giả của cuốn sách này đã đặt ra mục đích trình bày các nội dung trong đó một cách có hệ thống, phản ánh rõ nét 4 những giá trị tích cực và những hạn chế của các học thuyết triết học từ cổ đại cho đến triết học Mác – Lênin. Mặt khác, để bạn đọc dễ hình dung được tính quy luật của sự phát triển các tư tưởng triết học của nhân loại, các tác giả không trình bày nội dung của tất cả các học thuyết triết học theo từng thời kỳ lịch sử nhất định như các giáo trình, tài liệu khác mà chỉ trình bày một số nội dung cơ bản của học thuyết mang tính lịch sử và minh họa những nội dung ấy bằng các trường phái triết học khác nhau: Tư tưởng bản thể luận; Tư tưởng biện chứng; Tư tưởng chính trị – xã hội; Tư tưởng về con người; Tư tưởng về đạo đức – xã hội;… Cách trình bày này sẽ giúp cho người đọc có cơ sở để xem xét, đánh giá tất cả các học thuyết triết học của quá khứ và so sánh tư tưởng triết học của các thời đại lịch sử khác nhau, từ đó dễ nhận thấy quy luật phát triển của triết học không tách rời với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Riêng phần lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, các tác giả đã trình bày trong một chương độc lập và được xem như một bộ phận của triết học phương Đông, trong đó đặc biệt chú ý đến những nét đặc thù phản ánh sự kết tinh của tính sáng tạo dân tộc với những di sản tinh hoa của tư tưởng triết học nhân loại trong tư tưởng triết học Việt Nam. Đặc biệt trong cuốn sách này, các tác giả đã chú ý đến tư tưởng phân kỳ lịch sử triết học, căn cứ vào tất cả các yếu tố như: thời gian, không gian, văn hóa, lịch sử và các hình thái kinh tế – xã hội. Sự phân kỳ trong lịch sử triết học đã được thể hiện trong kết cấu và nội dung của các chương được trình bày trong cuốn sách. Trong cuốn sách “Một số vấn đề cơ bản của Lịch sử triết học” đã trình bày một cách ngắn gọn có tính hệ thống các nội dung cơ bản về lịch sử phát triển của tư tưởng triết học. Các tác giả của cuốn sách không đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là làm sáng tỏ một cách hoàn toàn đầy đủ và toàn diện tất cả các học thuyết triết học của các quốc gia dân tộc trên thế giới theo các thời đại khác nhau của lịch sử phát triển xã hội. Trong cuốn sách, các tác giả trình bày một cách khái lược, cô đọng sự ra đời và phát triển của các trường phái, trào lưu triết học quan trọng nhất ở cả phương Tây lẫn phương Đông, những dấu mốc cơ bản của lịch sử đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm, của phép biện chứng với phép siêu hình. Trong đó chỉ rõ sự xuất hiện, phát triển và tính 5 khoa học của triết học mác-xít. Đồng thời chỉ rõ, cùng với sự phát triển của khoa học và xã hội, triết học mác-xít đã được chỉnh lý một cách sáng tạo bởi các nhà lý luận mác-xít, làm sáng tỏ tính ưu việt của nó đối với tất cả các học thuyết triết học trước Mác trong lịch sử. Mặc dù nhóm tác giả đã rất cố gắng để trình bày các nội dung một cách cô đọng, khái quát và có tính hệ thống, song cuốn sách này không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Chính vì vậy, các tác giả rất mong nhận được những ý kiến góp ý của bạn đọc để nội dung cuốn sách này ngày càng được hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn cho công việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu triết học. Mọi ý kiến đóng góp xây dựng cho nội dung cuốn sách xin gửi về theo địa chỉ: Công ty CP Sách Đại học – Dạy nghề, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tại 73 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Xin trân trọng cảm ơn!

Out of stock

Thibft kế web bởi Hoangweb.com