Tôn chỉ của Jeff Bezos và Amazon
Toà nhà Day 1 cao 37 tầng là trụ sở chính của Amazon được đặt tên theo câu nói “It’s always day 1” của nhà sáng lập Jeff Bezos.
“Day 1” chính là tôn chỉ mà Amazon đặt ra từ những ngày đầu và luôn theo đuổi để trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất thế giới – Amazon luôn trong trạng thái khởi đầu và đổi mới.
Jeff Bezos từng nói “Thế giới có thể đẩy bạn xuống ‘Day 2’ nếu bạn không nắm bắt xu hướng nhanh chóng. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn trì trệ, không có sự kết nối và liên quan với thế giới. Sau đó là sự xuống dốc và ra đi như một điều tất yếu. Đó là lý do vì sao Amazon luôn trong trạng thái Day 1”.
Bên trong toà nhà Day 1 của Amazon. Ảnh: Business Insider |
Tinh thần “Day 1” của Amazon được nhắc đến như một huyền thoại, được thể hiện qua nhiều yếu tố, trong đó có tư duy ra quyết định nhanh chóng, thử nghiệm liên tục và dám thất bại.
Tốc độ là vấn đề trong kinh doanh, đó là nguyên tắc của nhà sáng lập kiêm giám đốc (CEO) Jeff Bezos cũng như của Amazon. Nhiều quyết định và hành động có thể đảo ngược và không cần thiết phải nghiên cứu quá kỹ càng. Amazon xác định và chấp nhận rủi ro.
Không có đủ thời gian để xem xét hết tất cả thông tin và thuyết phục mọi người về quyết định được đưa ra, đặc biệt là trong một công ty tuyển dụng hàng chục nghìn người mỗi năm như Amazon. Vì thế, quan điểm của Amazon trong quá trình làm việc là “không đồng ý và cam kết”. Điều này có nghĩa không phải ai cũng đồng tình với quyết định, nhưng dù vậy họ vẫn gạt qua nó và tất cả cùng nhau làm việc để hướng tới mục tiêu chung.
CEO của Amazon cho biết các công ty ‘Day 2’ thường ra quyết định tốt nhưng chậm chạp. Một số chuyên gia nhận định rằng hầu hết quyết định nên được đưa ra dựa trên 70% thông tin mà bạn cần. Nếu đợi đến khi có đủ 90% trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ bị chậm trễ. Nếu bạn giỏi trong việc xử lý các vấn đề, sai sót có thể ít nghiêm trọng như bạn nghĩ, trong khi việc chậm trễ sẽ có cái giá đắt hơn.
Công ty không ngừng thử nghiệm, phát minh và tất nhiên và cả mắc sai lầm. Amazon là doanh nghiệp bán lẻ có số lượng bằng sáng chế lớn nhất trên thế giới, theo IFI Claims.
Thất bại về tài chính lớn nhất của Amazon là lần mắt sản phẩm Amazon Fire Phone vào năm 2014. Sau khoảng một năm ra mắt “ế ẩm”, Amazon thiệt hại 170 triệu USD.
Nếu bạn cho rằng sản phẩm Fire Phone là thất bại lớn của Amazon, thì hãy hiểu rằng chúng tôi sẽ còn rất nhiều lần thất bại lớn hơn và lần thử nghiệm Fire Phone chưa là gì, Jeff Bezos nói vậy.
Nhà sáng lập này nhấn mạnh: “Amazon là nơi tốt nhất trên thế giới để thất bại và chúng tôi đã trải qua điều này rất nhiều”. Khi công ty có quy mô lớn hơn, Amazon sẽ thử nghiệm lớn hơn nữa và lúc đó thiệt hại có thể là hàng tỷ USD.
Quỳnh Trang (theo Forbes, BI, CNBC)
QR Code: